Số tiền bảo lãnh phải bằng mức tiền tối đa của khung hình phạt quy định cho hành vi vi phạm.
Từ ngày 18-11, Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu có hiệu lực. Theo đó, khi phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ, các cá nhân, tổ chức có thể đặt tiền bảo lãnh để đưa xe về nhà “tự giam”, tránh được những hư hỏng, mất mát như lâu nay.
Người dân tự bảo quản phương tiện
Theo Nghị định 115, chỉ những trường hợp đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, gây tai nạn giao thông, làm giả giấy đăng ký, biển kiểm soát hoặc phương tiện đang là vật chứng của vụ án hình sự, đang được đăng ký giao dịch bảo đảm là không được phép đặt tiền bảo lãnh.
Ngoài ra, những hành vi được quy định tạm giữ phương tiện 10 ngày tại Nghị định 71/2012 như vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cản trở xe ưu tiên, uống rượu bia… nếu không muốn bị giữ xe thì người vi phạm có thể đặt tiền bảo lãnh để tự giữ. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm đó. Ví dụ, với lỗi vượt đèn đỏ mức phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, người vi phạm sẽ phải đặt bảo lãnh 1,2 triệu đồng.
Nếu không muốn bị giam xe khi vi phạm giao thông ở các lỗi thông thường, người vi phạm có thể đặt tiền bảo lãnh để tự giữ. Ảnh: HTD
Ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Công an, cho biết: Việc đặt tiền bảo lãnh không phải đặt trực tiếp cho các chiến sĩ CSGT tại nơi xảy ra vi phạm. Thay vào đó, người vi phạm phải đến trụ sở để nộp cho người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện, xử phạt. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm phải nhờ người thân, bạn bè, hoặc cơ quan đứng ra bảo lãnh. Người bảo lãnh khi làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.
Sau khi đáp ứng các quy định trên, chủ phương tiện sẽ được bàn giao phương tiện để tự tạm giữ. Trong 10 ngày kể từ khi hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện theo quyết định thì số tiền đặt bảo lãnh được chuyển thành tiền xử phạt. Phần chênh lệch (nếu có) sẽ được trả lại cho tổ chức, cá nhân.
Xã kiểm soát hoạt động của phương tiện tự giữ
Theo quy định, phương tiện vi phạm trong thời gian tự giữ, bảo quản không được phép lưu hành. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Câu hỏi đặt ra: Vậy trong thời gian này nếu cá nhân, tổ chức đưa phương tiện ra hoạt động thì có bị xử phạt không? Cơ quan nào sẽ giám sát việc này?
Ông Quân cho biết UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện tự tạm giữ phải phối hợp giám sát, quản lý. Nếu tổ chức, cá nhân tự ý thay đổi nơi bảo quản hoặc sử dụng phương tiện vi phạm thì phương tiện đó sẽ bị chuyển về nơi tạm giữ theo quy định. Trường hợp để xảy ra mất mát, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố… phương tiện thì cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận: Khi xây dựng quy định này, cơ quan quản lý đặt vấn đề cao nhất là tạo điều kiện cho người dân tự giữ và bảo quản phương tiện. “Sau một thời gian triển khai, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính toán để có cách quản lý chặt chẽ, phù hợp hơn” – ông Quân nói.
Phải bồi thường nếu phương tiện bị hư hỏng, đánh tráo Nghị định 115 quy định rõ: Trong thời gian tạm giữ nếu phương tiện bị mất, bán, thay thế linh kiện… thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. |
Nguồn : http://phapluattp.vn