Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Việc hiểu rõ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là rất cần thiết trong nhiều trường hợp, nhất là khi có tắc đường, hay lên xuống phà.

Các bác đã khi nào nhìn thấy cảnh sát giao thông dùng tay vẫy vẫy hoặc chỉ chỉ gậy mà không thực sự hiểu ý họ đang chỉ dẫn gì chưa? Tôi thì thỉnh thoảng cũng gặp, nhưng quả thật cũng có khi thấy lúng túng chẳng hiểu các “ảnh ấy” muốn gì.

Tất nhiên, khi được đào tạo lái xe và trong mẹo thi, thì ai cũng biết hai động tác quen thuộc: tay chỉ lên trời (câu 397), hoặc hai tay dang hai bên (câu 398). Nhưng trên thực tế, còn một số động tác khác mà tôi tin nhiều người chưa thấy, và chưa từng nghe qua.

Vì những hiệu lệnh này có hiệu lực cao hơn cả đèn giao thông, biển báo, và vạch kẻ đường. Thế nên việc hiểu rõ ý nghĩa hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là rất quan trọng với tài xế. Và bài viết này sẽ giúp các bác điều đó.

Trước khi đi vào chi tiết từng hiệu lệnh, hãy cùng tìm hiểu một chút…

Ai là người điều khiển giao thông?

Tất nhiên là CSGT rồi.

Nhưng còn ai nữa không? Nhiều người nghĩ là không. Nhưng vẫn còn đấy.

Theo quy định tại Điều 3 Luật GTĐB, thì người điều khiển giao thông gồm:

  • Cảnh sát giao thông (đương nhiên rồi); hoặc
  • Người hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Quy chuẩn 41 – Điều 8 còn quy định rõ hơn những người này (1) phải được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông, và (2) có mang băng đỏ rộng 10cm ở khoảng giữa cánh tay phải.

Nếu không là một trong những đối tượng trên thì không phải người điều khiển giao thông “xịn”. Cũng có nghĩa là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đó không có hiệu lực.

Nhưng có điều, việc phân biệt đôi khi cũng không dễ. Người đeo băng đỏ thì dễ nhận ra, chứ họ có được giao nhiệm vụ hay không thì ai mà biết được. Thôi thì cũng chẳng mất gì, họ cứ chỉ đường (mà không gây phiền nhiễu) thì ta cứ theo, có mất mát gì đâu.

Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Người điều khiển giao thông có thể ra hiệu lệnh bằng tay, bằng gậy, và bằng còi. Thường tôi thấy các anh công an giao thông kết hợp cả 3 thứ đó: tay ra hiệu, tay vung gậy, miệng thổi còi.

Hiệu lệnh bằng tay gồm những động tác sau (quy định tại Điều 10 Luật GTĐB)

1. Tay giơ thẳng đứng: báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại

Hiệu lệnh cảnh sát giao thông 1

 

2. Một hoặc cả hai tay dang ngang: báo  hiệu  cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng

Hiệu lệnh cảnh sát giao thông 2

 

3. Cánh tay trái gập đi gập lại sau gáy: báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn

Hiệu lệnh của cảnh sát giao thông 4

 

4. Cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực: báo hiệu  người  tham  gia  giao  thông  bên  phải  người  điều  khiển  đi nhanh hơn. Ý nghĩa giống mục số 3, nhưng là bên phải, nhưng không gập vào sau gáy, tôi nghĩ vì như vậy sẽ rất dễ đập gậy vào đầu.

Hiệu lệnh của cảnh sát giao thông 4

 

5. Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống: báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại;

6. Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất: báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

7. Tay phải giơ về phía trước:báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi;

8. Đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải: báo hiệu người tham gia giao thông ở phái bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.

Thú thực trong 8 hiệu lệnh của người điều khiển giao thông nêu trên, tôi chỉ hay thấy 4 động tác đầu tiên. Số còn lại cũng rất ít, thậm chí chưa thấy lần nào.

Tôi muốn tìm hình ảnh minh họa để các bác dễ hiểu 4 động tác cuối mà không thấy. Đành bổ sung sau vậy.

Hiệu lệnh bằng còi:

Như vừa nói ở phần đầu, một trong ba hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là dùng còi.

Ra đường mà cứ nghe tiếng: Too…éee…ét là có vấn đề rồi. Ý nghĩa của những tiếng tuýt còi của cảnh sát giao thông như sau:

  • Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;
  • Một tiếng còi ngắn là cho phép đi;
  • Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái;
  • Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại;
  • Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;
  • Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

Luật là vậy, chứ khi đi đường ít ai hiểu hết được hiệu lệnh bằng còi. Như tôi, cứ nghe thấy tiếng còi cảnh sát là giật mình, phải nhìn xem mấy anh ấy muốn gì. Nếu vẫy vẫy thì tạt vào, vẩy vẩy thì đi tiếp.

Nếu chỉ nghe tiếng tuýt còi là dễ hiểu sai lắm. Dù sao cũng gắng ghi nhớ, kết hợp cả nhìn động tác, nghe tiếng còi, và xem hướng chỉ gậy thì mới biết chắc được.

Hiệu lệnh bằng gậy chỉ huy

Trường  hợp  người  điều  khiển  chỉ “cạp nong” (gậy  chỉ  huy  giao thông) vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại. Kiểu chỉ đâu “chết” đấy ấy mà. Oai phết đấy chứ nhỉ!

Nguồn: Carly.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo
Gọi ngay